Luật doanh nghiệp sửa đổi đã chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7 năm sau. Sau thời gian dài thảo luận, Luật doanh nghiệp phần nào khắc phục những điểm hạn chế, đặc biệt là những điểm gây khó khăn, không khả thi đối với việc quản lý.
Có thể kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm
Một trong những điểm được dư luận quan tâm là việc Luật doanh nghiệp sửa đổi đã bỏ hẳn những điều khoản về đăng ký kinh doanh. Thay vào đó, Luật quy định những điều khoản về thành lập doanh nghiệp với thủ tục rút gọn và đơn giản hơn rất nhiều.
Theo ý kiến các chuyên gia, mục tiêu quản lý Nhà nước không đạt được trong việc quy định về đăng ký kinh doanh. Trên thực tế, không ít doanh nghiệp, để tránh việc kinh doanh ra ngoài những ngành nghề đã đăng ký – đã “lo xa” bằng cách đăng ký “khống”. Thế nhưng, mỗi khi phát sinh các hoạt động kinh doanh trong điều kiện thị trường luôn thay đổi, các doanh nghiệp lại phải một lần đăng ký ngành nghề kinh doanh. Thủ tục đăng ký có thể khiến các cơ hội vụt qua.
Về Nhà nước, việc giới hạn các ngành nghề kinh doanh theo các mã tỏ ra bất khả thi. Các ngành nghề khác, luôn là khoản mục được các doanh nghiệp sử dụng triệt để, quản lý vì thế cực kỳ khó khăn.
Trong khi đó, pháp luật đã có những quy định về các ngành nghề cấm kinh doanh. Số ngành nghề này, chắc chắn ít hơn rất nhiều so với số ngành nghề…được phép kinh doanh. Với nguyên tắc, người dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, các doanh nghiệp hẳn nhiên có quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo Luật mới không bao gồm ngành nghề kinh doanh, chỉ còn 4 khoản mục so với 5 khoản mục ban đầu.
Như vậy, các doanh nghiệp thay đổi, thêm bớt ngành nghề kinh doanh không cần phải làm lại giấy đăng ký doanh nghiệp, theo quy định tại điều 31 Luật doanh nghiệp mới. Tất nhiên, những thay đổi về vốn điều lệ, tên, trụ sở,… của doanh nghiệp vẫn cần đăng ký lại với các cơ quan chức năng.
Việc đăng ký ngành nghề kinh doanh ở Luật mới chỉ mang tính “thông báo” giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng khi có sự thay đổi – và công khai trên cổng thông tin quốc gia. Việc đăng ký ngành nghề kinh doanh không còn phức tạp như trước, nhưng không có nghĩa là được “thả nổi” hoàn toàn.
Về việc đặt tên
Tháng 10/2014, Bộ TT&TT đã ra thông tư “Hướng dẫn đặt tên Doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc” gây dư luận trái chiều khi Thông tư cấm các doanh nghiệp dùng tên danh nhân đặt tên, trừ trường hợp tên chủ doanh nghiệp trùng với tên danh nhân!
Điều khoản này thực ra không có gì thay đổi trong Luật doanh nghiệp mới. Thông tư của Bộ TT&TT nhằm cụ thể hóa khoản 3, điều 39 Luật doanh nghiệp, quy định những điều cấm trong đặt tên.
Có thể ghi giảm vốn điều lệ
So với Luật doanh nghiệp 2005, Luật doanh nghiệp mới được thông qua cho phép doanh nghiệp điều chỉnh giảm vốn điều lệ so với khi đăng ký trong trường hợp các cổ đông sáng lập Công ty cổ phần không góp đủ vốn như cam kết ban đầu. Luật doanh nghiệp cũ yêu cầu doanh nghiệp phải góp đủ, hoặc các cổ đông còn lại “chia nhau” trách nhiệm về khối lượng cổ phần bị hụt đó.
Việc ghi giảm vốn điều lệ được quy định ở mục 3d, điều 112 Luật doanh nghiệp mới.
Trong tình hình các doanh nghiệp ồ ạt phát hành thêm, Luật doanh nghiệp mới đã có những quy định cụ thể hơn về việc phát hành thêm. Việc phát hành dưới mệnh giá từ trước đến nay đã được nhiều doanh nghiệp áp dụng trong tình hình thị trường chứng khoán khó khăn. Luật doanh nghiệp mới quy định, giá bán cổ phần không được thấp hơn thị giá tại thời điểm chào bán hoặc giá trị sổ sách của cổ phiếu tại thời điểm gần nhất, trừ những trường hợp đặc biệt khác (cổ phiếu thưởng, chào bán lần đầu cho người không phải cổ đông sáng lập…)
Doanh nghiệp Nhà nước được đối xử “bình đẳng”
Một điểm đổi mới trong quy định về doanh nghiệp Nhà nước trong luật mới là chỉ những doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn mới được coi là DNNN. Như vậy, DNNN chịu sự điều chỉnh của Luật doanh nghiệp như các Công ty TNHH MTV khác.
Nhà nước sở hữu dưới 100% vốn, doanh nghiệp sẽ được phân loại là công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc Công ty cổ phần và cùng chịu sự điều chỉnh như các doanh nghiệp cùng loại.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp mới cũng đề ra một số điều khoản dành riêng cho DNNN.
Luật cũng quy định rõ về nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ của DNNN. Theo đó, DNNN phải công bố báo cáo và tóm tắt Báo cáo tài chính hàng năm được kiểm toán trong thời hạn 150 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Báo cáo bán niên được kiểm toán phải được công bố trước 31/7 hàng năm.
Nói chung, về cơ bản, Luật Doanh nghiệp mới bắt đầu đã có những thay đổi tương đối tích cực, góp phần vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, “cởi trói” cho các doanh nghiệp trong quá trình thành lập, hoạt động.
Đan Nguyên
Theo InfoNet